(Chinhphu.vn) – 6 tháng đầu năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 78.640 lao động đạt 62,91 % kế hoạch năm 2024. Bên cạnh việc duy trì các thị trường hiện có, các cơ quan sẽ tiếp tục phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của lao động Việt Nam.
Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 78.640 lao động đạt 62,91 % kế hoạch năm 2024.
Nhật Bản là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất trong 6 tháng đầu năm với 40.596 lao động, tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc) 27.837 lao động, Hàn Quốc 5.582 lao động, Trung Quốc 1.080 lao động, Singapore 609 lao động, Romania 379 lao động, Thái Lan 295 lao động, Macao 204 lao động, Saudi Arabia 317 lao động, Hungary 268 lao động và các thị trường khác.
Chỉ riêng trong tháng 6/2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 12.788 lao động, gồm các thị trường: Nhật Bản 5.388 lao động, Đài Loan 6.235 lao động, Hàn Quốc 373 lao động, Trung Quốc 232 lao động, Singapore 128 lao động, Romania 18 lao động và các thị trường khác.
Đánh giá về tình hình đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong nửa đầu năm 2024, ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết ngoài các thị trường đang tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam hiện nay như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc thì một số thị trường mới cũng đang có nhu cầu đối với lao động Việt Nam, chẳng hạn như các nước thuộc Đông Âu: Romania, Hungary, Ba Lan, Slovakia, Serbia...
Năm 2024, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa 125.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường ổn định, có thu nhập cao như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Đức... Để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian tới Bộ sẽ tập trung nâng cao chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đây được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024.
Cùng với đó, tiếp tục ổn định, duy trì các thị trường hiện có và sẽ phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động Việt Nam.
Hiện nay, lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài trong nhiều loại hình, ngành nghề, công việc như: Sản xuất chế tạo (cơ khí, dệt may, giày da, lắp ráp điện tử...), xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp (đánh bắt và nuôi trồng thủy sản) và dịch vụ (chăm sóc người cao tuổi, người bệnh, giúp việc trong gia đình). Điều kiện làm việc và sinh hoạt tốt, chế độ phúc lợi bảo đảm.
Thu nhập của người lao động khá cao và ổn định, dao động từ 1.200-1.600 USD/tháng tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc; từ 800-1.200 USD/tháng tại Đài Loan (Trung Quốc) và các nước châu Âu; từ 700-1.000 USD/tháng đối với lao động có tay nghề, và từ 500-600 USD/tháng đối với lao động phổ thông ở thị trường Trung Đông, châu Phi...
Theo ông Phạm Viết Hương, trong những năm gần đây Nhật Bản liên tiếp là thị trường dẫn đầu về tiếp nhận lao động Việt Nam đi làm việc trong nhiều lĩnh vực. Trong tháng 6/2024, Việt Nam và Nhật Bản đã ký thỏa thuận tăng số lượng thực tập sinh nghề hộ lý, dự kiến 40 người trong năm nay và 500 người 5 năm tới. Thỏa thuận mới cũng mở rộng nhóm tuyển dụng lẫn điều kiện đưa đi bởi phía Nhật muốn tăng số lượng làm việc trong các bệnh viện lớn.
Số lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản thường chiếm tới 50% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài hằng năm. Năm 2023, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc trở thành nhóm lao động nước ngoài lớn nhất tại Nhật Bản với 518.364 người, tăng 63,6% trong 5 năm.
Tại thị trường Hàn Quốc, Chương trình EPS đưa lao động đi Hàn Quốc năm nay cũng thu hút rất đông lao động Việt Nam đăng ký, số người đăng ký đạt kỷ lục với gần 45.000 người, gấp ba lần chỉ tiêu tiếp nhận và đông nhất trong 20 năm triển khai. Kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Hàn đã được tổ chức tại bốn tỉnh thành là Hà Nội, Thanh Hóa, Đà Nẵng và TPHCM từ tháng 3/2024 đến hết tháng 6/2024.
Đến nay, cả nước có hơn 600.000 lao động đang làm việc tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, mỗi năm chuyển về khoảng 4 tỷ USD ngoại tệ theo đường chính ngạch, chưa kể các kênh khác.
Ông Phạm Viết Hương cho biết, thời gian tới Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tìm kiếm thêm thị trường mới, mở rộng sang châu Âu vì điều kiện làm việc, thu nhập tốt. Hiện nay, nhiều nước tại khu vực này đang có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam, nhất là ngành nông nghiệp.
Đẩy mạnh thông tin cảnh báo, ngăn chặn lừa đảo xuất khẩu lao động
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã phối hợp đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về tình hình lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo định kỳ hàng tháng; thông tin cảnh báo, ngăn chặn lừa đảo lao động đi làm việc tại một số thị trường, ngành nghề như Australia (trong lĩnh vực nông nghiệp); Hàn Quốc (trong lĩnh vực dịch vụ theo thị thực E9)…
Đồng thời, khuyến cáo tình trạng lừa đảo người lao động đi làm việc ở nước ngoài xảy ra trên môi trường mạng; thông tin hướng dẫn và tư vấn người lao động về những sự chuẩn bị cần thiết, và các kênh hay hình thức để đảm bảo người lao động đi làm việc ở nước ngoài hợp pháp, an toàn và hiệu quả.
Ngoài ra, thời gian qua, vấn đề nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhằm đáp ứng nhu cầu của đối tác, đủ sức cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế cũng được Việt Nam đặc biệt quan tâm.
Thu Cúc